UNG THƯ PHỔI VÀ TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ.

UNG THƯ PHỔI VÀ TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ.

Bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng về bệnh tật ở tại Việt Nam. Các bệnh có nguyên nhân trực tiếp do sử dụng thuốc lá, thường gặp nhất đó là đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ trực tiếp sử dụng thuốc lá”.

Theo một số nghiên cứu trong các nghiên cứu người ta nhận thấy là trong khói thuốc lá chứa 7000 chất hóa học, phần lớn là các chất độc hại, mà trong đó có khoảng trên 250 chất có hại cho sức khỏe và có khoảng 70 chất gây ung thư trong đó ung thư phổi chiếm 90%, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do hút thuốc.  Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp 3,7 lần  so với người không hút.

Hầu như có nhiều người biết rằng, hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng ít ai đủ nghị lực để bỏ thuốc lá. Có một số ít là hiểu được tác hại thật sự của thuốc lá nên ngừng hút. Còn lại, hầu hết vẫn hút thuốc một cách thản nhiên, tràn lan khắp mọi nơi, ngay cả những nơi công cộng đã được chỉ định cấm hút thuốc. Đây là điều kiện dẫn đến nhiều bệnh tật cho bản thân người hút thuốc và cho tất cả những người xung quanh khi phải hút thuốc lá thụ động, vì khói thuốc là nguyên nhân chính gây nên các bệnh mãn tính trong đó ung thư.

Hút thuốc lá được cho là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư phổi. Bệnh ung thư phổi chiếm tới 20% trong tất cả các bệnh ung thư hiện nay, nó gần như đứng đầu trong hàng trăm loại ung thư. Những người mắc bệnh ung thư phổi thường ngày đã hút hơn 10 điếu thuốc 1 ngày, còn những bệnh nhân còn lại bị ung thư phổi không hút thuốc được xác định là đã hít phải một lượng đáng kể khói thuốc lá của người khác hút.

Bệnh ung thư phổi được xác định là thường có những triệu chứng như ho không khỏi và ngày càng nặng hơn, thường xuyên thấy đau ngực, ho ra máu, có lúc thấy khó thở, ngạt mũi, khàn giọng, viêm phổi và viêm phế quản tái đi tái lại, phù nề vùng mặt và cổ, mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân, mệt mỏi…

Các nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi bao gồm các tác nhân gây ung (như khói thuốc lá), bức xạ ion hoá, và nhiễm virus. Sự phơi nhiễm lâu dài với các yếu tố này gây tích tụ các thay đổi trong DNA của mô lát bên trong phế quản của phổi (tức biểu mô phế quản). Khi ngày càng nhiều mô bị tổn thương, cuối cùng sẽ dẫn đến ung thư. Xác suất một người hút thuốc bị ung thư phổi phụ thuộc vào độ tuổi bắt đầu hút thuốc, thời gian hút thuốc, lượng thuốc lá hút trong một ngày và mức độ hít khói thuốc. Những công nhân tiếp xúc với bụi silic trong quá trình làm việc cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi và nguy cơ này sẽ tăng gấp nhiều lần nếu những người này đồng thời có hút thuốc lá. Ngừng hút thuốc lá có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư phổi. Bệnh ung thư phổi thường diễn ra âm thầm nên khiến rất nhiều người chủ quan, các triệu chứng thường xuất hiện muộn nên hầu như những người tới bệnh viên khi phát hiện ra mình mắc ung thư phổi cũng là đã muộn nên tỷ lệ tử vong do ung thư phổi là rất cao.

Theo bác sĩ Võ Thị Kim Oanh – Trưởng phòng nghiệp vụ Y, sở Y tế Đồng Tháp lưu ý:

“Như đã nói thì thuốc lá gây ra 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc lá. Trong đó, nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư hay các bệnh lý về tim mạch, bệnh hô hấp và nó ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. căn bệnh chính do thuốc lá gây ra chúng ta thường thấy lá ung thư phổi, khí phế thủng. thuốc lá còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không truyền nhiễm”.

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ những người bỏ thuốc lá có thể tiếp tục sống trên 5 năm sau khi phát hiện ung thư phổi chiếm khoảng 63-70%, trong khi tỷ lệ này ở những người tiếp tục hút thuốc lá chỉ vào khoảng 29-33%.Khói thuốc lá có thể thúc đẩy các tế bào ung thư phát triển. Vì vậy nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Bênh nhân mắc bệnh ung thư phổi nên bỏ ngay thuốc lá hoặc môi trường có chứa nhiều khói thuốc lá nếu như không muốn bệnh tình của mình tiến triển tốt lên thì nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ là bỏ thuốc lá. Bênh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu vẫn có thể chữa khỏi. Nếu người bệnh tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị. Đặc biệt là phải bỏ thuốc lá. Ngoài ra, khói thuốc lá cũng gây ra nhiều bệnh tật liên quan và có thể biến chứng thành ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.

Một người đã mắc ung thư phổi một lần có nguy cơ mắc ung thư phổi lần hai cao hơn so với một người chưa bao giờ mắc bệnh ung thư phổi. Bỏ hút thuốc sau khi được chẩn đoán ung thư phổi có thể ngăn ngừa nguy cơ bị ung thư phổi lần hai. Như vậy, cách tốt nhất để phòng chống ung thư phổi là bỏ hút thuốc lá, hoặc đừng bao giờ hút. Bỏ hút thuốc lá càng sớm thì càng tốt. Thậm chí nếu bạn đã hút thuốc lá trong nhiều năm thì việc bỏ hút thuốc cũng vẫn không bao giờ là quá muộn./.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp

 

Trả lời