Những điều cần biết về bệnh cúm A (H1N1)

Những điều cần biết về bệnh cúm A (H1N1)

 

Tiết trời bắt đầu chuyển mùa cũng là lúc các bệnh cúm mùa, đặc biệt cúm A (H1N1) dễ tấn công và lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Do đó, mỗi người dân cần chủ động quan tâm hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình

Cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhành trong cộng đồng.

Bệnh thường dễ mắc vào các mùa đông xuân, nhưng khác với cúm mùa thông thường, vì nó có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi nặng.

Vừa qua, tại Đồng Tháp cũng đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với cúm A H1N1. 1 trường hợp tại huyện Tam Nông, là thai phụ mang thai 8 tháng được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP- HCM và trường hợp thứ 2 là nữ 19 tuổi, ở phường Tân Qui Đông Thành phố Sa đéc cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ rẫy TP-HCM. Qua kết quả điều tra dịch tễ của Ngành Y tế thì được biết trước khi khởi bệnh bệnh nhân tại huyện Tam Nông đã ăn thịt gà chết do nhà nuôi, 7 người trong gia đình cùng ăn thì có 6 người xuất hiện triệu chứng sốt, chảy mủi, ho… Được biết các bệnh nhân hiện tại sức khỏe đã được ổn định.

Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A H1N1. Bệnh có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

Để đảm bảo sức khỏe người dân, theo Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường  xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

Người dân cần tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

Những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh

Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.

Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách xa nếu phải tiếp xúc với người bệnh

Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

                     Phòng cúm mùa.

Đối với bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau họng và ho, mệt mõi, đau đầu, đau cơ.. bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận hoặc suy giãm miễn dịch… bệnh cũng có thể diễn biến nặng hơn.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường quyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.

Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng

Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mõi… cần đến cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Nguồn Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp

Trả lời