Việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng là một nội dung được đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo luật đề xuất sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 77 như sau “Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên tiểu học”.
Nâng chuẩn giáo viên tiểu học là cần thiết, khả thi
Trao đổi về nội dung này, NGƯT.TS Trần Thị Kim Liên – Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, từng là hiệu trưởng 3 trường THCS tại Hà Nội – cho rằng: Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và nâng chuẩn giáo viên từng cấp học giai đoạn sắp tới là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn và cũng là yêu cầu cấp thiết phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.
Đó cũng là cơ sở để kiện toàn, xây dựng, tổ chức đội ngũ nhà giáo chất lượng – yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện đổi mới cơ bản, toàn diện GD&ĐT .
Theo NGƯT Trần Thị Kim Liên, chuẩn đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học hiện nay đã tồn tại gần 50 năm, đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo – giáo dục của đất nước trong một thời gian phát triển khá dài.
Trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngành GD&ĐT đang gánh vác một sứ mệnh cao cả, quan trọng trong sự nghiệp đào tạo con người, đi đầu trong cuộc cách mạng mới. Những chuẩn cũ có thể cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn, phù hợp với yêu cầu của thời đại đó là điều cần phải làm.
“Hiện nay, các cấp học đều đòi hỏi có những yêu cầu giáo dục, truyền thụ kiến thức chất lượng cao hơn. Bản thân các nhà giáo nhận thấy trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ nhà giáo mỗi nhà trường, mỗi cá nhân phải không ngừng nâng cao thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Trình độ chuyên môn cao gắn liền với đạo đức phẩm chất mẫu mực của nhà giáo làm nên uy tín,vị thế của người thầy trên bục giảng.
Vì vậy, ngoài việc đạt chuẩn về trình độ nhiều nhà giáo đã tự tham gia các khóa học chuyên môn để nâng cao trình độ nghề nghiệp.
Đa phần giáo viên đã phải tự túc kinh phí, sắp xếp thời gian để học tập. Phong trào thi đua tự học tự bồi dưỡng được phát động hưởng ứng nhiều năm qua trong ngành, cùng với một số yêu cầu tuyển dụng đã cho thấy một kết quả rất đáng khích lệ” – NGƯT Trần Thị Kim Liên chia sẻ thêm.
Từ thực tế trên, có thể thấy việc nâng chuẩn là hợp lí, phù hợp với thực tế xã hội và yêu cầu giáo dục hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Việc đề xuất triển khai điểm a khoản 1 Điều 77, Điều 80 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là khả thi.
6 giải pháp
Để thực hiện được nội dung sửa đổi nói trên, NGƯT Trần Thị Kim Liên đưa ra các giải pháp như sau:
Thứ nhất: cần rà soát lại mạng lưới các trường học trên cả nước; những giáo viên tuổi từ 50 trở xuống cần tham gia các khóa học đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tại trường ĐH để nâng chuẩn, bắt nhịp với triển khai chương trình giáo dục phổ thông đổi mới.
Những giáo viên tuổi từ 50 trở lên phải đạt chuẩn cũ và tham gia chương trình bồi dưỡng chuyên môn theo các chuyên đề của địa phương.
Thứ 2: nhà trường tiếp tục đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, động viên và tạo điều kiện cho giáo viên tham gia khóa đào tạo tại trường ĐH, CĐ sư phạm để có đủ điều kiện đạt và vượt chuẩn mới.
Thứ 3: cơ sở giáo dục nên lấy chuẩn nâng mới làm tiêu chí thi tuyển. Hiện nay, nguồn sinh viên tốt nghiệp trình độ ĐH, trên ĐH rất dồi dào.
Thứ 4: Với những vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nên có chính sách ưu tiên, khuyến khích, động viên nhiều hơn để sau 3 đến 5 nữa chuẩn có thể phổ cập đều.
Thứ 5: Riêng cấp mầm non, việc bắt buộc đạt chuẩn về sư phạm là hết sức cần thiết. Thực tế, hiện tượng bạo hành trẻ em phần lớn là từ giáo viên hay bảo mẫu chưa qua trường lớp đào tạo sư phạm nào.Vì vậy, quan tâm đến chuẩn chính là quan tâm đến chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ, là đề phòng tích cực các hiện tượng tiêu cực xảy ra .
Thứ 6: Việc thực hiện nâng chuẩn nhanh chóng, thành công, kịp bắt nhịp với thực hiện chương trình, SGK mới còn phụ thuộc vào yếu tố rất quan trọng – đó là lương và các chính sách hỗ trợ kinh phí học tập cho giáo viên để nâng chuẩn theo yêu cầu.
Vì thế, các cấp quản lí giáo dục cũng phải xem xét, sắp xếp, có kế hoạch để công việc của nhà trường vẫn đảm bảo và đời sống của nhà giáo không bị ảnh hưởng; người giáo viên thấy học tập nâng cao trình độ, trau dồi nghiệp vụ để dạy học tốt là trách nhiệm của người thầy, góp phần xây dựng xã hội học tập, là sự khẳng định tâm thế, trí tuệ của người thầy.